0939028579

TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂY ĐÔ

TAY DO UNIVERSITY

Trí tuệ - Sáng tạo - Năng động - Đổi mới

Trường đã đạt kiểm định chất lượng

Chuyến về nguồn đầy cảm xúc tại TP.HCM của Chi bộ Công tác chính trị - Quản lí sinh viên nhân kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2020)

Ngày đăng: 28/07/2020 04:40

Ngày 26/07/2020 vừa qua, Chi bộ (CB) Công tác Chính trị - Quản lí sinh viên (CTCT-QLSV) Trường Đại học Tây Đô về nguồn tại TP. Hồ Chí Minh và thăm, tặng quà cho 02 mẹ Việt Nam Anh hùng cư ngụ tại xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh.

Hình 1: Đoàn tham quan chụp ảnh lưu niệm tại Dinh Độc Lập

Tham gia chuyến đi có sự tham dự của Đồng chí Lê Văn Sơn - Trưởng Phòng Tổ chức hành chính, nguyên Bí thư Đảng ủy Trường, Đồng chí Mai Thành Hiệp - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng ủy Trường Đại học Tây Đô cùng Chi ủy CB CTCT-QLSV cùng hơn 50 đồng chí là Đảng viên, quần chúng thuộc CB CTCT-QLSV.

Hình 2: Chi ủy Chi bộ CTCT-QLSV chụp ảnh lưu niệm cùng khách mời

Hành trình về nguồn được diễn ra tại 4 địa điểm: Đoàn tham quan và tìm hiểu Dinh Độc Lập, Bảo tàng Hồ Chí Minh (Bến cảng nhà Rồng – nơi Bác hồ ra đi tìm đường cứu nước), sau đó đoàn tham quan Địa đạo Củ Chi, viếng Đền Bến Dược, cuối cùng thăm và tặng quà hai mẹ Việt Nam Anh hùng.

Điểm đến đầu tiên của chuyến hành trình tại Dinh Độc Lập (hay gọi là Dinh thống nhất) thuộc 135 Nam Kỳ khởi nghĩa, phường Bến Nghé, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.  Tại đây  Đoàn được xem phim tư liệu và nghe thuyết minh về lịch sử cũng như quá trình hình thành của Dinh Độc Lập. Tham quan, tìm hiểu gồm 3 tầng chính, 2 gác lửng, tầng nền, 2 tầng hầm và 1 sân thượng cho máy bay trực thăng đáp xuống. Hơn 100 căn phòng của Dinh được trang trí theo phong cách khác nhau tùy theo mục đích sử dụng bao gồm các phòng khánh tiết, phòng họp hội đồng nội các, phòng làm việc của Tổng thống và của Phó Tổng thống, phòng trình ủy nhiệm thư, phòng đại yến,... chưa kể các phần khác như hồ sen bán nguyệt hai bên thềm đi vào chánh điện, bao lơn, hành lang  rất đồ sộ, những hiện vật còn lưu giữ đến ngày nay.

Hình 3: Đoàn tham quan và nghe thuyết minh tại Dinh Độc Lập

Chắc hẳn là người con của dân tộc, ai cũng đã từng nghe rất nhiều về lối sống giản dị, mộc mạc và thô sơ của Người đã bôn ba khắp bốn bể năm châu để tìm ra con đường cứu nước cứu dân. Cả đời người chỉ một lòng vì dân tộc, vì lo lắng cho cuộc sống của người dân mà không có sự đòi hỏi về điều gì cho bản thân đó chính là Bác, người chủ tịch đáng kính của chúng ta. Điểm đến kế tiếp của Đoàn là Bảo tàng Hồ Chí Minh – chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh (hay còn gọi là Bến cảng Nhà rồng) tọa lạc tại quận 4. Đoàn được nghe thuyết minh về cuộc đời, sự nghiệp của Bác hồ, đặc biệt là khoảng thời gian bôn ba hơn 30 năm Bác ra đi tìm được cứu nước.

Hình 4: Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Bến cảng Nhà Rồng

Hình 5: Đoàn nghe thuyết minh về cuộc đời, sự nghiệp của Bác

Cứ mỗi độ Hè về, mỗi người chúng ta lại được sống lại khí thế hào hùng về lịch sử đấu tranh của dân tộc. Chiến tranh đã đi qua nhưng từ trong sâu thẳm tâm thức mỗi con người đều muốn về thăm lại các di tích lịch sử nổi tiếng để cảm nhận sâu sắc hơn, mạnh mẽ hơn và đầy đủ hơn những gian khổ kiên cường của dân tộc Việt NamKết thúc hành trình buổi sáng đoàn tiếp tục tham quan Di tích Lịch sử địa đạo Củ Chi, tại huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh – mảnh đất được mệnh danh “Đất thép, thành đồng”.

Hình 6: Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Đền Bến Dược thuộc Di tích Địa đạo Củ Chi

Tại đây, đoàn đã được nghe thuyết minh về những chiến công hiển hách của ông cha ta thời kháng chiến và thấy xúc động khi được chạm tay vào những tấm bia khắc tên của từng chiến sỹ đã ngã xuống vì độc lập tự do của nước nhà.

Tiếp theo, đoàn Đoàn ghé thăm quan Khu tái hiện Vùng giải phóng Củ Chi. Đoàn cũng được theo dõi về trận đánh Cedaphone lịch sử năm 1967 – trận đánh với mục tiêu hủy diệt toàn bộ căn cứ cách mạng dân ta của Mỹ - nhưng chúng đã thất bại thảm hại trước ý chí chiến đấu kiên cường của quân và dân Củ Chi. 

Hình 7: Đoàn tham quan những chiến tích trong địa đạo Củ Chi

Rời địa đạo Củ Chi, Đoàn lên đường thăm mẹ VNAH Bùi Thị Hãnh và mẹ VNAH Hồ Thị Nói tại xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi. Nhìn những đôi mắt đã không còn nhìn rõ vì cao tuổi, nhìn những cánh tay gầy guộc của các mẹ mà Đoàn xót xa. Đi đến nhà, các mẹ ai cũng hỏi Đoàn từ đâu đến, đã ăn uống gì chưa, có mệt không,… khiến Đoàn cảm thấy ấm lòng.

Hình 8,9: Đoàn chụp ảnh lưu niệm cùng Hai mẹ Việt Nam Anh Hùng

Đồng thời Đoàn cũng chúc Mẹ luôn sống khỏe, làm chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con cháu, nhằm thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của tuổi trẻ trong CB, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của CB CTCT-QLSV đối với những hi sinh, mất mát của các Mẹ, cũng như tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Đoàn ra về mà những câu chuyện các mẹ kể, nước mắt và nụ cười của các mẹ làm Đoàn cứ mãi bồi hồi.

Kết thúc chuyến hành trình về nguồn, trong đoàn vẫn còn đọng mãi cảm giác bâng khuâng đến nao lòng bởi những suy tư về một vùng đất với những con người bình dị mà thần thánh của những năm tháng không thể nào quên.

Tin: Nguyễn Tài Lợi      

Ảnh: CB CTCT-QLSV


  • 15:00

    04/04/2024

    Họp rà soát việc cập nhật thông tin được phân công theo công văn số 254/ĐHTĐ (ngày 25/3/2024) trên website tiếng Anh của Trường

  • 13:30

    09/01/2021

    Tọa đàm chuyên đề về Quản trị kinh doanh

  • 07:30

    31/10/2020

    Lễ trao bằng tốt nghiệp Đại học năm 2020

  • 07:30

    26/09/2020

    Lễ Khai giảng các lớp cao học khóa 7B,8A và Lễ trao bằng tốt nghiệp thạc sĩ năm 2020

  • 08:00

    26/08/2020

    Tập huấn phần mềm tuyển sinh ĐH, CĐ, Mầm non năm 2020